“Bình dân học AI” từng bước lan tỏa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống người dân xứ trà
2025-01-04 19:18:00.0
Tỉnh Thái Nguyên xem AI là một phần cốt lõi trong hành trình chuyển đổi số. (Trong ảnh: Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, TP. Sông Công hướng dẫn sinh viên thiết kế mẫu trên máy tính)
Từ năm 2020, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân trong quá trình chuyển đổi số. Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên xem AI là một phần cốt lõi trong hành trình này.
AI không chỉ là công cụ giúp giải quyết các công việc chuyên môn mà còn mở ra cơ hội học tập, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI trở thành chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đưa tỉnh Thái Nguyên bắt kịp và vượt lên trên xu thế hội nhập toàn cầu.
Chương trình “Bình dân học AI” ra đời với sứ mệnh trang bị kiến thức và kỹ năng số cho người dân, từ đó xây dựng một nền tảng văn hóa số mang đậm bản sắc xứ trà, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu lớn của tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo và ứng dụng AI, trong đó 50% đạt cải thiện hiệu quả công việc
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% các huyện, thành phố ban hành kế hoạch và phát động tham gia chương trình; 100% các cơ quan, đơn vị thành lập nhóm cán bộ nòng cốt lan tỏa chương trình; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo và ứng dụng AI, trong đó 50% đạt cải thiện hiệu quả công việc. Ngoài ra, phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và 80% người trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng AI cơ bản, với ít nhất 50% trong số này sử dụng thành thạo kỹ năng đã học.
Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành triển khai kế hoạch, tổ chức chương trình "Bình dân học AI” từ tháng 11/2024 đến tháng 12/2025. Nội dung chương trình gồm 5 bậc trình độ:
Bậc 1 - Xử lý văn bản cơ bản: Sử dụng AI để xử lý văn bản, viết báo cáo; tìm kiếm và tổng hợp thông tin; đáp ứng yêu cầu công việc văn phòng cơ bản.
Bậc 2 - Đa phương tiện và truyền thông: Sử dụng AI xử lý hình ảnh, video, âm thanh; tạo nội dung đa phương tiện chuyên nghiệp; xây dựng kênh truyền thông trên mạng xã hội.
Bậc 3 - Mô hình tư duy chuyên nghiệp: Vận dụng các mô hình tư duy với AI; phân tích và giải quyết vấn đề có hệ thống; tối ưu hóa quy trình công việc.
Bậc 4 - Quản trị dữ liệu và tri thức: Phân loại và tổ chức dữ liệu hiệu quả; khai thác nguồn big data; xây dựng hệ thống quản lý tri thức.
Bậc 5 - Sáng tạo và đổi mới: Thử nghiệm giải pháp mới với AI; phát minh và cải tiến quy trình; phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo.
Chương trình được triển khai qua 3 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1 (tháng 11/2024): Hoàn thiện kế hoạch triển khai, thành lập ban chỉ đạo các cấp, chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn học viên nòng cốt. Giai đoạn 2 (tháng 12/2024): Đào tạo đội ngũ nòng cốt gồm cán bộ, công chức, giáo viên tích cực và doanh nhân tiêu biểu; nội dung đào tạo chuyên sâu về kỹ năng AI và phương pháp truyền đạt kiến thức. Giai đoạn 3 (từ tháng 2/2025): Triển khai đồng loạt các lớp học tại cơ sở, áp dụng mô hình học tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp, sử dụng phương pháp học ngắn hạn hiệu quả (micro-learning).
Chương trình không chỉ trang bị kiến thức mà còn gieo mầm văn hóa sáng tạo, tư duy “AI First” trong cộng đồng, biến AI trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xứ trà. (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất)
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên: Chương trình “Bình dân học AI” tiếp nối tinh thần phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945, nhưng với mục tiêu phù hợp trong thời đại số. Chương trình giúp người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, làm chủ và ứng dụng AI vào công việc và đời sống. Từ đó, không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn tạo ra các cơ hội việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống. Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương để đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả. Định kỳ 3 tháng, các kết quả triển khai sẽ được báo cáo lên UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chương trình sẽ được tổng kết vào tháng 12/2025 để đánh giá và nhân rộng mô hình.
“Bình dân học AI” không chỉ là một sáng kiến mang tính đột phá mà còn khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh Thái Nguyên trong ứng dụng công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Với sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, chương trình hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả tích cực, tạo đà cho Thái Nguyên vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Chương trình không chỉ trang bị kiến thức mà còn gieo mầm văn hóa sáng tạo, tư duy “AI First” (ưu tiên AI) trong cộng đồng, biến AI trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xứ trà.
thainguyen.gov.vn